Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên là một trong những doanh nghiệp nhà nước thường xuyên ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình hoạt động.
Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên là một trong những doanh nghiệp nhà nước thường xuyên ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình hoạt động. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ GIS đã mang lại cho công ty những sự đổi thay đáng kể.
Ứng dụng công nghệ
Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – gọi tắt là GIS) ra đời vào những năm 1960 trên cơ sở phát triển của khoa học máy tính và được phổ biến rộng rãi trong 10 năm trở lại đây. Công nghệ GIS là sự tích hợp, phân tích và chuyển đổi giữa dữ liệu không gian (bản đồ) với dữ liệu phi không gian nhất quán trên cơ sở tọa độ đầu vào, giúp cho nhà quản lý và nhà nghiên cứu có cách nhìn tổng quan và bao quát nhất. Ngày nay, GIS đã trở thành công cụ trợ giúp quyết định trong nhiều lĩnh vực của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Phú Yên cho biết, từ năm 2009, công ty đã triển khai xây dựng ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý hệ thống cấp thoát nước nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài sản, chăm sóc và phát triển khách hàng sử dụng nước trên địa bàn TP Tuy Hòa và khu vực lân cận. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hệ thống cấp thoát nước (bao gồm hệ thống bản đồ và thông tin thuộc tính) trên địa bàn TP Tuy Hòa và khu vực lân cận được tiến hành bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu từ các hồ sơ lưu trữ, thông tin về quy hoạch phát triển mạng, hệ thống bản đồ số từ các cơ quan quản lý nhà nước và quá trình khảo sát thực tế. Cơ sở dữ liệu này bao gồm các lớp bản đồ về: hệ thống cấp nước, khách hàng sử dụng nước, hệ thống thoát nước và hệ thống bản đồ giải thửa tỉ lệ 1:500 theo hệ tọa độ chuẩn quốc gia VN2000.
GIS được kết hợp bởi 5 thành phần chính: phần cứng, phần mềm, dữ liệu, con người và phương pháp. GIS lưu giữ thông tin về thế giới thực dưới dạng tập hợp các lớp chuyên đề có thể liên kết với nhau nhờ các đặc điểm địa lý. Công nghệ GIS là sự kết hợp các thao tác cơ sở dữ liệu thông thường (như cấu trúc hỏi đáp) và các phép phân tích thống kê, phân tích địa lý. Những khả năng này giúp phân biệt GIS với các hệ thống thông tin khác và khiến cho GIS có phạm vi ứng dụng rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau (phân tích các sự kiện, dự đoán các tác động và hoạch định chiến lược).
Cơ sở dữ liệu của GIS (về các bản đồ chuyên đề và thư viện thông tin thuộc tính) được quản lý bằng phần mềm riêng, được xây dựng với các chức năng cơ bản dễ sử dụng, thao tác đơn giản, giúp cán bộ quản lý mạng, quản lý khách hàng và các bộ phận khác của công ty có thể tổng hợp các thông tin một cách nhanh nhất. Tiện ích từ việc ứng dụng công nghệ GIS mang lại giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Tạo bước đột phá
Ông Nguyễn Tấn Thuần chia sẻ thêm: “Ứng dụng công nghệ GIS chính là chuyển từ việc quy hoạch, quản lý hệ thống cấp thoát nước từ bản đồ trên giấy sang sử dụng bản đồ số hóa. Chính sự thay đổi này tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý. Trong đó, đáng chú ý là việc giúp rút ngắn đáng kể thời gian lắp đặt, xử lý sự cố; đồng thời giúp công ty chúng tôi quản lý tài sản hiệu quả hơn”.
Ông Thuần cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ GIS, việc khảo sát lắp đặt hệ thống cấp thoát nước cho các công trình đã được đơn giản hóa rất nhiều so với thời gian trước đó. Mỗi khi khách hàng đến công ty nộp đơn yêu cầu lắp đặt hệ thống, các kỹ thuật viên sẽ xem xét hệ thống cần lắp đặt nằm ở vị trí nào trên bản đồ thành phố, sau đó sử dụng GIS để khảo sát lắp đặt ngay trên máy tính và điều động lực lượng nhân công đi lắp đặt trong thời gian sớm nhất có thể. Khi công việc hoàn tất, chỉ cần cử một kỹ thuật viên đi kiểm tra lại kết quả công việc. Vì không mất thời gian khảo sát thực tế nhiều lần nên việc lắp đặt hệ thống cấp thoát nước ngày càng được rút ngắn: từ 10 ngày (trước năm 2009) xuống còn 7 ngày (năm 2011) và đến nay chỉ mất từ 3 đến 5 ngày.
Khi có sự cố xảy ra, việc khắc phục cũng được tiến hành dễ dàng và nhanh chóng. Kỹ thuật viên khi nhận được thông báo đường ống nước bị hư cũng sẽ sử dụng GIS để xem xét khu vực hỏng hóc. Những dữ kiện về đường ống hỏng sẽ được thể hiện trên màn hình máy tính để kỹ thuật viên có cơ sở chuẩn bị vật tư thay thế, đồng thời điều một lực lượng nhân công phù hợp đến ngay những vị trí xảy ra sự cố để khắc phục. Công việc này trước đây mất cả ngày (tùy theo mức độ hỏng hóc) để khắc phục, thì nay sự cố trên được khắc phục chỉ trong một buổi thậm chí vài tiếng đồng hồ.
GIS cũng đồng thời hỗ trợ cả công tác quản lý tài sản của công ty. Với tất cả các dữ liệu về đường ống được cập nhật thường xuyên, công ty sẽ biết được thời hạn sử dụng của vật tư trong bao lâu, đã khấu hao bao nhiêu, còn lại bao nhiêu, những vật tư nào đến hạn phải thay thế… để có thể chủ động lập kế hoạch hoạt động.
Ứng dụng công nghệ GIS đã mang lại cho công ty sự đổi thay đáng kể; tuy nhiên, để có thể sử dụng công nghệ này, ban giám đốc cùng toàn thể nhân viên công ty đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để thu thập thông tin, số hóa thành cơ sở dữ liệu, phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ GIS. Hiện cơ sở dữ liệu về TP Tuy Hòa phục vụ cho việc cấp thoát nước đã tương đối hoàn chỉnh. Đến nay, Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên đã cập nhật được thông tin của hơn 15.000 khách hàng, khoảng 257.000m đường ống phân phối, chuyển tải và hơn 120.000m đường ống dịch vụ. Nhờ sự cập nhật liên tục này mà hệ thống cấp thoát nước TP Tuy Hòa hoạt động hiệu quả, khoa học; đảm bảo cho khách hàng được phục vụ tốt nhất.
(Theo Báo Phú Yên, ngày 19/8/2013)
Ảnh: T.HÀ