Tin tức

Được sự tài trợ của Chính phủ Pháp, từ năm 2013, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là Công ty) chính thức đưa vào vận hành Dự án quản lý cấp nước theo công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) mang lại nhiều lợi ích vượt trội.

Được sự tài trợ của Chính phủ Pháp, từ năm 2013, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là Công ty) chính thức đưa vào vận hành Dự án quản lý cấp nước theo công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) mang lại nhiều lợi ích vượt trội.

Trên màn hình máy tính hiển thị dày đặc những đường ngang, dọc với hàng ngàn ô thửa biểu thị cho hệ thống cấp nước của thành phố. Cùng với đó là những vòng tròn bé xíu màu xanh đặc trưng cho đồng hồ đo nước của hộ dân. Nhìn vào màn hình, người không hiểu chuyên môn chắc sẽ rối như tơ vò. Nhưng khi kỹ thuật viên máy tính click nhẹ vào chấm nhỏ màu xanh, một hộp nhỏ sẽ hiện ra với đầy đủ thông tin: tên, địa chỉ hộ dùng nước, mã khách hàng, lịch sử tiêu thụ nước... mà không mất nhiều thời gian, công sức tra cứu như trước. Đó là một trong những tiện ích của phần mềm quản lý cấp nước theo công nghệ GIS đang được ứng dụng tại Công ty.

“Trước đây, mỗi khi tiếp nhận yêu cầu sửa chữa của khách hàng, cán bộ trực phải ghi vào sổ rồi nhập vào phần mềm quản lý Water billing, hỏi số điện thoại của hộ để nắm thông tin, địa chỉ, sau đó mới đề xuất thiết bị vật tư sửa chữa. Công việc này lại liên quan tới một công nhân khác chuyên làm nhiệm vụ sửa chữa. Vì thế, nếu người này nghỉ hưu hoặc chuyển công tác thì sẽ rất khó khăn bởi không thể nắm được lai lịch hỏng hóc. Bây giờ mọi thứ đã khác”, anh Nguyễn Trường Vịnh, nhân viên Phòng Quản lý và vận hành mạng lưới cấp nước Công ty cho biết. 

Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý vận hành cấp nước tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa.

Theo ông Nguyễn Đức Đại, Trưởng phòng Quản lý và vận hành mạng lưới cấp nước Công ty: Phần mềm quản lý cấp nước theo công nghệ GIS có nhiều ưu điểm, không chỉ thuận tiện cho việc tra cứu thông tin khách hàng, tính toán áp lực, biết được tình trạng cung cấp nước thiếu hay đủ, chủ động lịch trình thiết kế cải tạo, mở rộng mạng lưới mà còn hỗ trợ công tác thống kê theo yêu cầu... “Việc sử dụng công nghệ GIS trong vận hành cấp nước cho ta cái nhìn tổng thể về toàn bộ mạng lưới cấp nước, phục vụ việc sửa chữa hỏng hóc, thay lắp đường ống, đồng hồ, nắm bắt thông tin khách hàng mà không cần phải tra cứu mất nhiều thời gian, công sức như trước”, ông Đại chia sẻ.

Điều đáng nói, phần mềm GIS không phủ nhận những công cụ quản lý trước đây đã được Công ty đầu tư mà còn hỗ trợ và bổ sung nó như phần mềm Water billing (quản lý khách hàng) và các công cụ lưu trữ thông tin khác: Excel, Word, Asset... Để đón đầu công nghệ hiện đại, 2 năm qua Công ty đã cập nhật số liệu phục vụ việc triển khai công nghệ mới thông qua phần mềm Autocad. Đến nay, Công ty đã thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý mạng lưới cấp nước thành phố với hơn 73.000/92.000 đồng hồ, hơn 11.000 tuyến ống chính với tổng chiều dài hơn 840.000m, 22.670 tuyến ống nhánh với tổng chiều dài hơn 56.000m, 2.256 van, 5.538 thiết bị, 1.622 điểm đấu nối, 26 điểm quản lý lưu lượng và áp lực (Scada), 18 điểm lấy mẫu. Hiện Nhà máy nước Xuân Phong và Võ Cạnh trực thuộc Công ty đã được cập nhật toàn bộ thiết bị tài sản của nhà máy; xây dựng bản đồ nền tích hợp với xấp xỉ 131.000 ô thửa trên địa bàn TP. Nha Trang.

Ông Trần Văn Huy, Giám đốc Công ty khẳng định: Dự án đã giúp Công ty quản lý tốt công việc hàng ngày, dễ sử dụng, tương thích với quy trình quản lý của Công ty nên càng phát huy hiệu quả. Mặc dù vậy, ông Huy cho biết, phần mềm tuy hiện đại nhưng vẫn còn những khiếm khuyết, khó khăn khi vận hành như: cần có kinh phí duy trì bản quyền và cập nhật khi phần mềm thay đổi; ngôn ngữ bằng tiếng Anh hạn chế cho ứng dụng của người Việt; việc cập nhật số liệu cần có con người thao tác...

Theo http://www.baokhanhhoa.vn