Tin tức

Ngày 04/10/2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài “Ứng dụng mô hình hóa và GIS để cảnh báo ngập cục bộ trên một số tuyến đường ở thành phố Huế”

Ngày 04/10/2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài “Ứng dụng mô hình hóa và GIS để cảnh báo ngập cục bộ trên một số tuyến đường ở thành phố Huế” do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì và KS Đinh Xuân Ngọc làm chủ nhiệm đề tài.

Mục tiêu chung của đề tài là có những giải pháp để hạn chế được hiện tượng ngập cục bộ do mưa lũ làm tắc đường trên một số tuyến đường chính ở thành phố Huế. Mục tiêu cụ thể là có các cơ sở dữ liệu GIS về các điểm ngập lụt cục bộ trên các tuyến đường giao thông ở thành phố Huế tỷ lệ 1:500, tích hợp vào các hệ thống cơ sở dữ liệu của GISHue; cảnh báo mức độ ngập lụt trên một số tuyến đường ở thành phố Huế; có được các giải pháp cụ thể, khả thi trong việc giảm ngập cục bộ cho một số tuyến đường chính cũng như các giải pháp định hướng cho vấn đề thoát nước, giảm ngập úng cho thành phố Huế.

Tại hội nghị, chủ nhiệm đề tài đã trình bày phạm vi nghiên cứu của đề tài là khu vực trọng điểm của thành phố huế, được giới hạn bởi các sông An Hòa, Kẻ Vạn, A Cựu, Phát Lát, Như Ý, sông Hương (phần từ Đạp Đá đến Bao Vinh). Đề tài đã mô phỏng thoát nước của đô thị Huế bằng mô hình quản lý nước mưa SWMM (Storm Water Management Model). Đây là mô hình toán học khá toàn diện, dùng để mô phỏng khối lượng và tính chất dòng chảy dô thị do mưa và trong hệ thống cống thoát nước thải. Mọi vấn đề về thủy văn đô thị và chất lượng nước đều được tính toán trong mô hình, bao gồm dòng chay mặt và dòng chảy ngầm, nước trong mạng lưới hệ thống tiêu thoát nước, hồ điều hòa và khu xử lý. Đề tài chỉ ứng dụng 2 module phổ biến hiện nay của mô hình SWMM là module RUNOFF và module EXTRAN.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các giải pháp nhằm giảm úng cục bộ. Đối với giải pháp về công trình thì cần tăng cường thoát nước mặt tự nhiên. Các tuyến ống thoát nước phát huy tác dụng cho việc thoát nước thải và nước mưa với lượng nhỏ. Khi mưa có cường độ lớn, hầu hết cống đều chảy ở chế độ ngập, năng lực thoát nước giảm đi rõ rệt. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là cho phép dòng chảy trên mặt đất chảy thẳng ra sông, không gây ngập úng trên đường. Tại thành phố Huế, các tuyến đường ven sông thường xảy ra ngập úng, trong khi đó mức nước sông chưa lên cao, ví dụ như các tuyến đường Phan Chu Trinh, Phan Đình phùng dọc sông An Cựu, Trần Hưng Đạo, Kim Long dọc sông Hương, Nguyễn Công Trứ, dọc sông như Ý. Đặc biệt là ở hai tuyến đường Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng hạ lưu của các vùng đất phía trong. Hai tuyến đường này bị chia cắt bởi các nút giao đầu cầu Nam Giao, Bến Ngự, Phú Cam, Kho Rèn. Khi lượng mưa mới chỉ ở mức 30mm/h, hầu hết các đoạn trên hai tuyến đường này đều bị ngập úng.

Đối với giải pháp phi công trình, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất bổ sung quy hoạch và thực hiện quy hoạch thoát nước đối với các vùng có độ dốc và lưu lượng lớn: đường Tự Đức-Thủy Dương, phía tây Huế…. Các vùng này có độ cao tự nhiên lớn hơn thành phố Huế khá nhiều và đang trong quá trình đô thị hóa. Do đó cần giảm khả năng thấm nước ngầm và cản nước tự nhiên. Nếu không có phương án nghiên cứu, thực hiện thoát nước từ đầu thì sẽ ảnh hưởng đến mức độ ngập của thành phố Huế sau này.

Theo Diệu Hà, Sở Khoa học Công nghệ TT-Huế