Quận 11, TP.HCM, đã xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhằm hỗ trợ đắc lực công tác quản lý chất thải rắn và quy hoạch các tuyến thu gom.
Quận 11, TP.HCM, đã xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhằm hỗ trợ đắc lực công tác quản lý chất thải rắn và quy hoạch các tuyến thu gom.
Quản lý sát sườn
Việc thu gom chất thải rắn trên địa bàn Q.11 trước nay chủ yếu do khoảng 200 công nhân thu gom rác dân lập đảm nhiệm với khoảng 170 tuyến theo hình thức “da beo” (chỗ có chỗ không) với thời gian và tuyến thu gom không cố định. Nó gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Q.11 cho biết: khi chưa ứng dụng GIS, việc quản lý đội ngũ thu gom của UBND các phường chủ yếu trên giấy tờ, sổ sách. Số liệu không thuờng xuyên cập nhật và chỉ nặng về lưu trữ. Phòng phải cắt cử nhân sự đi chung với lực lượng thu gom để quản lý mức nộp phí, gây lãng phí nhân lực, thời gian và phí di chuyển. Khó khăn nữa là việc thu gom rác làm ngoài giờ hành chính, có khi từ 2h – 3h sáng.
Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP.HCM đã xây dựng ứng dụng GIS cho Q.11. Chương trình nhằm cải thiện công tác quản lý hệ thống thu gom chất thải rắn. Việc triển khai ứng dụng GIS nay được phát triển trên nền tảng công nghệ mã nguồn mở.
Toàn bộ dữ liệu không gian và thuộc tính của hệ thống được lưu trữ thống nhất trong hệ quản trị CSDL PostgreSQL/PostGIS trên máy chủ. Phía máy khách (client) sẽ sử dụng phần mềm gvSIG được phát triển thêm các chức năng để tương tác với dữ liệu dùng chung trên máy chủ. Hệ thống cũng xây dựng rất nhiều danh mục sao cho phù hợp với công tác quản lý, nhằm thu gom chất thải rắn dễ dàng hơn.
Điểm nổi bật là khi xây dựng ứng dụng này, chi phí rất nhỏ. Toàn bộ phần mềm miễn phí, hệ quản trị cơ sở dữ liệu cũng miễn phí. Chi phí đầu tư được tiết kiệm, phù hợp với khu vực quận huyện; toàn bộ công tác quản lý sẽ được thực hiện ngay trên phần mềm. Nhân viên không còn phải đi chung với lực lượng thu gom rác để quản lý nữa.
Góp phần quy hoạch tuyến
Ông Quách Đồng Thắng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Sở KHCN TP.HCM cho rằng việc thu gom rác dân lập ở TP.HCM còn rất manh mún; số lượng rác thu về chỉ báo cáo một chiều, không rõ ràng, khó kiểm tra. Nhưng khi đã lập cơ sở dữ liệu rồi, thì việc quản lý được thực hiện dễ dàng hơn.
“Hiện nay, các tuyến thu gom rác trên địa bàn quận chưa được quy hoạch hợp lý và khoa học. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập và công tác thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường. Do đó, quy hoạch tuyến là một trong những bài toán cấp thiết, rất cần có sự hỗ trợ của phần mềm GIS”, ông Thắng nói.
Khi dữ liệu đã được nhập vào hệ thống, phần mềm sẽ hỗ trợ mô phỏng các phương án quy hoạch tuyến bằng cách tính toán các thông số do người dùng lựa chọn (trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các đối tượng thu gom rác dân lập về mặt thu nhập và tuyến thu gom hợp lý, hạn chế tình trạng da beo, chồng chéo giữa các tuyến thu gom).
Khi phương án quy hoạch tuyến được chấp thuận, người dùng sẽ cập nhật dữ liệu vào hệ thống. Quản trị hệ thống phân quyền cho từng người dùng: người chỉ được quyền xem, người được quyền cập nhật dữ liệu… Trong hệ thống quản lý thông tin có thống kê các hộ dân, đơn vị sản xuất kinh doanh theo từng công nhân thu gom rác dân lập, giúp phát hiện các hộ dân chưa có trong danh sách đóng phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Mục tiêu của UBND Q.11, TP.HCM là mọi hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn đều được ứng dụng CNTT; công tác quản lý đi vào số hóa ngày càng nhanh và hoàn thiện.
Theo http://www.pcworld.com.vn